Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường gia vị thế giới nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra các sản phẩm chế biến sâu.
Trao đổi trong Hội nghị giao thương trực tuyến Sản phẩm Gia vị và Hương liệu Việt Nam 2021, chiều 8/9, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, trong khi các sản phẩm gia vị Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô thì Ấn Độ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tinh chế, chiết tách tinh dầu và chiếm lĩnh thị trường gia vị thế giới.
Cụ thể, Ấn Độ hiện chiếm 48% về khối lượng và 25% về giá trị trong tổng lượng gia vị toàn cầu. Trong hơn 100 loại giống về gia vị được tổ chức thế giới công nhận, Ấn Độ sở hữu 75 loại. Gia vị tại Ấn Độ không chỉ phục vụ cho bữa ăn hàng ngày mà còn phục vụ cho công nghiệp dược phẩm, sức khỏe. Tổng sản lượng gia vị Ấn Độ khoảng 3 triệu tấn/năm.
Gia vị là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của nước này. Năm 2020, xuất khẩu gia vị Ấn Độ đạt 3,7 tỷ đô, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới trong lĩnh vực này.
Vì vậy, Ấn Độ cũng nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu gia vị để phục vụ sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm của Việt Nam. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 1,4 tỷ USD gia vị, trong đó nhập khẩu hạt tiêu khoảng 120 triệu USD và Việt Nam là nhà cung cấp hạt tiêu lớn thứ hai thế giới cho Ấn Độ.
Ngoài hạt tiêu, các sản phẩm khác của Việt Nam như quế, hồi, thảo quả cũng có ưu thế tại thị trường Ấn Độ, tuy nhiên thời gian qua vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, đây là thiệt thòi rất lớn.
Lấy ví dụ về việc này, ông Thướng dẫn câu chuyện về ngành sản xuất hương nhang của Ấn Độ. Việt Nam cung cấp 90% nguyên liệu sản xuất hương nhang cho Ấn Độ nhưng nước này đã tái xuất 50% lượng hương sang nước khác, chỉ bằng việc trộn thêm vài nguyên liệu cơ bản, nhưng giá trị tăng gấp 5-10 lần sản phẩm hương nhang thô của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể học tập cách thức của Ấn Độ để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngay tại Việt Nam, xuất khẩu ra thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ”, ông Thướng nhấn mạnh.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài, ứng dụng công nghệ chế biến sâu là giải pháp căn cơ giúp nâng cao giá trị gia vị Việt Nam.
Ông Lê Đức Huy, Ủy viên BCH Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9 cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nước hiếm hoi sản xuất hồ tiêu, hiện đóng góp tới 40% lượng hạt tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình trạng cung vượt cầu, 5 năm gần đây, giá hạt tiêu giảm.
Mặc dù so với 10 năm trước, chất lượng hạt tiêu Việt Nam hiện nay đã cải tiến nhiều, không dừng lại ở hạt tiêu đen nguyên hạt, mà có thêm hạt tiêu trắng, tiêu xay, tiêu bột, tiêu ngâm dấm, tiêu xanh, đỏ… tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận rằng phần lớn xuất khẩu gia vị của Việt Nam vẫn ở dạng thô hoặc chế biến sơ nên giá trị không cao.
Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế vừa là vùng sản xuất nguyên liệu, vừa là nơi có thể mở các nhà máy chế biến gia vị chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất sản phẩm gia vị dạng đã chế biến, tinh chế để tăng giá trị cho hàng xuất khẩu.
“Doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải tham gia từ đầu đến cuối một quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng, mà có thể phát huy những lợi thế ở một số khâu, còn những khâu nào yếu có thể kêu gọi sự hợp tác doanh nghiệp quốc tế, sau đó sẽ phát triển và làm chủ công nghệ vì những sản phẩm tinh chế có giá trị gấp nhiều lần sản phẩm thô”, ông Thướng nhấn mạnh.
Đại diện chi nhánh thương vụ Osaka (Nhật Bản) cho biết, thời gian qua, nhiều đối tác Nhật Bản đã về Việt Nam khảo sát và đã đầu tư vào một số vùng trồng với các sản phẩm như khoai lang giống Nhật, chuối… Thời gian tới, thương vụ sẽ tiếp tục làm việc với đối tác có thế mạnh trong nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.