Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu trong quý I/2022 đạt 53,8 nghìn tấn, trị giá 250,8 triệu USD, giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 40,3% về trị giá so với quý I/2021, so với quý I/2020 giảm 33,1% về lượng nhưng tăng 42,5% về trị giá.
Đáng chú ý, quý I/2022 so với quý I/2021, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất (tăng 92,9%); châu Mỹ (tăng 63,5%); châu Phi (tăng 10,3%) và châu Á (tăng 6,4%). Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang khu vực châu Á chiếm 33,99% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2022, thấp hơn so với 44,33% trong quý I/2021. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang EU tăng từ 20,21% trong quý I/2021 lên 28,08% trong quý I/2022.
EU tăng nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Việt Nam
Năm 2021, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường thế giới đạt 413,74 triệu EUR (438,56 triệu USD), tăng 28,3% so với năm 2020. Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 123 triệu EUR (130,45 triệu USD), tăng 46,9% so với năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020.
Cập nhật số liệu công bố mới nhất từ Cơ quan Thống kê châu Âu, tháng 1/2022, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường thế giới đạt 43,56 triệu EUR (46,17 triệu USD), tăng mạnh 66% so với tháng 1/2021. Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt trên 13 triệu EUR (13,87 triệu USD), tăng tới 110,8% so với tháng 1/2021. Trong số các thị trường thành viên EU, hạt tiêu Việt Nam được xuất chủ yếu sang hai nước Đức và Hà Lan.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các chuyên gia nhận định, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.
Thực tế, ưu đãi từ Hiệp định đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU tăng liên tục trong thời gian qua. Dự báo trong năm 2022, EU tiếp tục tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hạt tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường EU.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định vẫn còn những khó khăn nhất định bởi thách thức đối với các doanh nghiệp hạt tiêu muốn xuất khẩu sang EU có thể kể đến các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành hạt tiêu của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường EU như: thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường và kênh tiếp cận khách hàng.
Bên cạnh đó, việc nhận diện thương hiệu đối với mặt hàng hạt tiêu tại thị trường EU chưa đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm cho thị trường EU... khiến năng lực tiếng nói chung của ngành hàng chưa mạnh.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – nhận định, EU là thị trường tiềm năng mặc dù khó tính. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng hạt tiêu nói riêng và ngành hàng gia vị đánh giá cao thị trường EU bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, hàng rào lớn nhất hiện nay đối với ngành hạt tiêu nói riêng và ngành hàng gia vị đó là các tiêu chí về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Thị trường EU đặt ra những tiêu chí rất cao và ngày càng mở rộng với mức độ chặt chẽ hơn.
Bên cạnh các tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất và sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và hệ sinh thái tự nhiên, thị trường EU còn yêu cầu các tiêu chuẩn như Fairtrade (thương mại công bằng) yêu cầu khắt khe đối với các chính sách và thực hành của doanh nghiệp trong việc đảm bảo bình đẳng giới, môi trường bền vững, quyền lợi cho người lao động.
Bà Hoàng Thị Liên cho hay, hiện các doanh nghiệp trong ngành hạt tiêu và gia vị đều đi theo hướng canh tác bền vững, do đó, họ đã thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất tại vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất chưa đủ mạnh và việc mở rộng liên kết còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề về vốn và cả đầu ra xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu trong quy mô riêng lẻ từng doanh nghiệp đã làm được. Tuy nhiên, để có hình ảnh thống nhất, xây dựng uy tín chung cho ngành hàng ở tầm quốc tế thì cần nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp đang quan tâm như EU.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được các thông tin liên tục và cập nhật về thị trường EU, cơ hội kinh doanh, các hướng dẫn tuân thủ quy định thị trường và đặc biệt được kết nối trực tiếp với các khách hàng tiềm năng từ thị trường EU thông qua các nền tảng số chuyên biệt.
Hạt tiêu nói riêng và ngành gia vị nói chung được đánh giá thuộc Top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU. Để thúc đẩy xuất khẩu sang EU và hưởng lợi từ EVFTA, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng Nhóm tư vấn trong nước Việt Nam trong Hiệp định EVFTA – khuyến nghị, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành hàng này cần quan tâm thực cải thiện thực hành bền vững để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về Thương mại và Phát triển Bền vững của Hiệp định.
Ông Matthieu Penot – Tùy viên Hợp tác thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhận định, nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những nhà cung cấp rau quả và gia vị hàng đầu trên toàn cầu. Việt Nam cũng đã chứng minh rằng nó là quê hương của một số sản phẩm chất lượng cao nhất. Hiệp định EVFTA đã công nhận và đưa ra biện pháp bảo hộ đối với một số loại cây trồng nổi tiếng của Việt Nam.
Dư địa cho ngành hàng hạt tiêu tại thị trường EU còn rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực cần cải thiện như đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm hay tính bền vững cũng như các chứng nhận sản phẩm. “Trong một thế giới mà việc kiểm tra chỉ được thực hiện theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro, điều này phản ánh một kịch bản rủi ro rất cao. Do đó cần phải làm tốt hơn”, ông Matthieu Penot khuyến nghị.